Thời cơ vàng phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo Việt Nam

Thời cơ vàng phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo Việt Nam12 phút đọc

03/10/2021
Share

Sáng 01/10/2021, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hoạt động “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE). Hoạt động sẽ được thực hiện trong 2 năm do USAID tài trợ với mục tiêu hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhằm tiếp tục thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

2 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao nguồn nhân lực

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, hoạt động đào tạo được tài trợ bởi USAID với ngân sách khoảng 2 triệu USD. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế châu Á của USAID, với mục tiêu tổng thể là phân tích, thiết kế và triển khai các dự án/hoạt động thí điểm trong tất cả các lĩnh vực để phát triển kinh tế, trong đó bao gồm phát triển nguồn nhân lực 4.0. Cũng theo bà Ann Marie Yastishock, USAID WISE sẽ hỗ trợ các mô hình có thể mở rộng, theo định hướng thị trường và bền vững nhằm xây dựng nguồn nhân lực của Việt Nam sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 thông qua các quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.

Tại Việt Nam, chia sẻ với các đối tác tham dự sự kiện Công bố chương trình USAID WISE sáng ngày 1/10/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong TOP 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.

1318 1.10 ThY trYYng TrYn Duy Yong

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông (ảnh: Đức Trung)

Thứ trưởng chia sẻ, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược cho Đảng và Chính phủ, từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc Cách mạng 4.0, thông qua các hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh, quản lý sáng tạo.

Đến nay, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng, hiện đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao và mang tầm quốc tế. Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những nền tảng quan trọng nhất. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường lợi thế cạnh tranh mới của nền kinh tế, Việt Nam cần đào tạo nâng cao và đào tạo lại nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” hậu COVID-19.

Với quan điểm đó, Thứ trưởng khẳng định, việc hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để thực hiện hoạt động “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp” (WISE) là hết sức cần thiết, kịp thời để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 và hướng tới nền kinh tế số ở Việt Nam.

5 mục tiêu cơ bản của dự án USAID WISE

1328 1.10 WISE 4

Trong 2-3 năm tới, Việt Nam có cơ hội vàng nếu đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực

Theo định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động WISE nhằm thực hiện được 5 mục tiêu cơ bản: (1) Đào tạo kỹ năng số cơ bản cho sinh viên và đối tượng mới gia nhập thị trường lao động; (2) Xây dựng một thị trường năng động, chất lượng về đào tạo nâng cao và đào tạo lại về kỹ năng số; (3) Thúc đẩy đổi mới các sản phẩm tài chính sáng tạo cho giáo dục; (4) Nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (5) Xây dựng, vận hành hiệu quả Chương trình Đối tác phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và CMCN 4.0.

Theo đó, WISE cần sự tham gia của 3 đối tượng: Cung (các cơ sở đào tạo), Cầu (người sử dụng lao động), Các bên trung gian (các đối tác tài chính, các tổ chức hỗ trợ tuyển dụng và các bên liên quan khác quan tâm). Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc dự án USAID WISE tại Việt Nam cho biết, Dự án xây dựng một diễn đàn mở, kết nối các chủ thể quan tâm và có khả năng đóng góp cho công tác đào tạo nhân lực cùng tìm kiếm cơ hội, hợp tác để thực thi các mục tiêu đã định. Dự án có thời hạn 2 năm tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định, thế giới đang bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với những thay đổi rất nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lan tỏa rộng khắp trên mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Thứ trưởng đặt niềm tin, dự án WISE sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, bởi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, số lượng sử dụng internet cao, tiếp cận nhanh với công nghệ. “Đây là lợi thế để Việt Nam có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và công nghệ số, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào nền kinh tế số, tận dụng được những thành quả của cuộc CMCN 4.0”, Thứ trưởng nói.

Thời cơ vàng để Việt Nam phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo

Đại dịch Covid-19 gây ra những tổn thương rất lớn cho loài người trên toàn cầu, nhưng lại tạo một động lực chưa từng có cho việc phát triển các ngành kinh tế mới, dựa trên AI và công nghệ. Tại Việt Nam hiện nay, các chuyên gia của dự án đánh giá rằng, đang có 2 hệ thống kinh tế cùng hoạt động. Một là hệ thống kinh tế truyền thống (dệt may, da giày, đồ gỗ…) cạnh tranh bằng chi phí thấp, bằng lao động dồi dào. Hai là hệ thống các ngành kinh tế mới, lợi thế cạnh tranh bằng việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt, giá trị. “Để Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển trong trung và dài hạn, việc tạo sự kết nối, thúc đẩy 2 hệ thống kinh tế này hòa nhập vào nhau, tận dụng năng lực của nhau là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đang bước rất nhanh trong phát triển hệ thống kinh tế mới”, ông Phạm Vinh Quang, Giám đốc dự án USAID WISE chia sẻ.

Nhân lực là chìa khóa quan trọng nhất trong việc tạo nên sự kết hợp của 2 hệ thống kinh tế đang vận hành tại Việt Nam. Dự án USAID WISE sẽ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đang trong tuổi lao động hoặc các sinh viên mới ra trường, để giúp họ cải thiện kỹ năng, nắm bắt tri thức của hệ thống kinh tế mới, từ đó tìm kiếm được việc làm tốt hơn, góp sức cho các doanh nghiệp, các tổ chức họ làm việc trở nên hiệu quả hơn.

Ông Vũ Duy Thức, sáng lập OhmniLabs nhận định, trong 2-3 năm tới, Việt Nam có cơ hội vàng nếu đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực. Nếu như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu là các nền kinh tế đang dẫn đầu thế giới về đổi mới, sáng tạo thì Việt Nam có lợi thế về sự học hỏi, về lực lượng dân số trẻ, thông minh và đặc biệt là Nhà nước có chiến lược, mục tiêu rõ ràng trong 5-10 năm tới về phát triển khoa học công nghệ, về AI. Ông Thức cho rằng, trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam có thể đi từ nền tảng đào tạo nhân sự AI, bởi AI được sử dụng cho nhiều lĩnh vực, có khả năng tạo ra các dịch vụ làm thay đổi vị thế kinh doanh, có thể tạo ra các sản phẩm mới, tạo sự khác biệt. Thời cơ để Việt Nam phát triển nhân lực, xây vị thế cạnh tranh chính là lúc này, bởi nếu chậm đầu tư cho nguồn nhân lực, các quốc gia trong cùng khu vực có thể sẽ có bước tiến nhanh hơn, khi đó, sẽ rất khó để chúng ta bắt kịp và song hành.

Thế giới thay đổi rất nhanh, 5-10 năm trở lại đây lại vô cùng nhanh. Trong bối cảnh hiện nay, liệu ngành công nghệ thông tin Việt Nam có cơ hội tạo bước nhảy vọt không? Ông Đỗ Hoàng đến từ FPT Software lạc quan rằng, Việt Nam chắc chắn có cơ hội. “Thế giới hiện nay không còn cảnh công ty to nuốt công ty bé, mà là công ty nào sở hữu công nghệ khác biệt, hoặc đi nhanh hơn thì sẽ thắng. Đây chính là cơ hội vàng cho Việt Nam đào tạo nhân sự”, lãnh đạo FPT Software chia sẻ./.

Tường Vi (Tạp chí Kinh tế và Dự báo)

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI

TIN TỨC LIÊN QUAN
Chiều 18/3/2024, Họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 đã chính thức diễn ra tại Bộ Kế...
19/03/2024
Ngày 29/02/2024, Hội nghị Phát triển Nguồn nhân lực Thiết kế Vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024 do Trung tâm Đổi mới sáng...
01/03/2024
Chiều 27/02/2024 tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì...
28/02/2024
Bạn đam mê công nghệ và mong muốn kiến tạo tương lai Việt Nam bằng những giải pháp đột phá?  Viettel Digital Talent 2024 –...
22/02/2024

LIÊN HỆ

Điền vào biểu mẫu bên dưới và chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn

Thông tin liên lạc

Điện thoại: 08044838

Email: info@nic.gov.vn

Giờ mở cửa

T2 – T6: 8h00 – 17h00
T7 – CN: Đóng cửa

Địa chỉ

6B Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội

6 Ngõ 7 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, Hà Nội