Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức vào sáng 01/10 trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp Quốc gia 2022 nhằm tạo ra không gian trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, địa phương và thanh niên về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên thuận lợi trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm đông đảo dư luận xã hội ngoài, Vụ Pháp chế, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đại diện Trung ương với sự tham gia của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao gồm Cục Phát triển doanh nghiệp, Cục Đầu tư nước ngoài, đại diện Trung ương Đoàn, và hơn 100 đại biểu là đại diện doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu và đại diện các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, báo chí.

Tại hội thảo, Ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đánh giá: “Hội thảo là cầu nối giữa thanh niên khởi nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đại diện các bộ, ban, ngành để cùng nhau đánh giá những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên”.
Hội thảo có 2 tham luận chuyên sâu về “Tổng quan và thực trạng cơ chế, chính sách dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam” và “Một số rào cản và kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam”.

Tham luận “Tổng quan và thực trạng cơ chế, chính sách dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam” do ông Nguyễn Đức Long, Phụ trách Cơ sở Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trình bày đã đề cập tới các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các nhiệm vụ, giải pháp này bao gồm: Tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức; xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ; tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp nối Đại hội, một số luật, nghị quyết, chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra chiến lược và hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước thịnh vượng bao gồm Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN, và đến năm 2030 là duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 để đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu. Để tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Quốc hội đã có khung pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cụ thể tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 (Luật số 04/2017/QH14), hay Chính phủ cũng đã có Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị làm chính sách bao gồm: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; Ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR).
Để hoàn thành nhiệm vụ như trên các cơ quan làm chính sách đã có nhiều có nhiều Nghị định cụ thể hướng dẫn nhằm bước đầu tạo khung pháp lý vững chắc cho hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo cụ thể là ở Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa phục hồi sau đại dịch, hàng loạt bất ổn về địa chính trị tiếp tục xuất hiện, việc khơi thông thể chế cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nền kinh tế của đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

Đối với tham luận “Một số rào cản và kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam”, Ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý, Quỹ đầu tư ThinkZone đã chỉ ra những vướng mắc có thể được coi là “điểm nghẽn cổ chai” cần phải được khơi thông để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cụ thể là khơi thông nguồn vốn tư nhân đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng khả năng ứng dụng thực tiễn của chính sách hỗ trợ của nhà nước với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành bại là khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Tại Việt Nam, các nguồn vốn phổ biến mà startup đang tiếp cận là (i) nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, (ii) nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và (ii) nguồn vốn vay.
Theo thực tiễn thế giới cũng như ở Việt Nam, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2021 công bố bởi NIC, tổng số tiền đầu tư mạo hiểm năm 2021 vào các startup Việt Nam đạt 1,4 tỷ đô la Mỹ. Với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nước ngoài, các nhà đầu tư hiện không lựa chọn đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp startup tại Việt Nam mà sẽ yêu cầu startup tái cơ cấu để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, cụ thể là Singapore, rồi rót vốn vào công ty mẹ này. Để thực hiện thủ tục đầu tư thì doanh nghiệp nhận vốn phải thực hiện 02 lần thủ tục. Thời gian thẩm định và đánh giá của các thủ tục đầu tư cũng gây hạn chế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra các quy định về thuế, quản lý ngoại hối cũng như hoạt động quản lý của các đơn vị chủ quản còn chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Giải pháp được các chuyên gia đề xuất bao gồm việc tạo điều kiện để đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài, cũng như đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam của startup, đồng thời hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, các nội dung cần giải trình, các tài liệu chứng minh theo hướng đảm bảo mục đích quản lý cũng như phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tương tự, với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nội địa, đã có các quy định nền tảng như Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ như Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các quy định pháp lý còn nhiều hạn chế để khơi thông dòng vốn và tiềm lực nội địa để thực hiện đầu tư cho startup, có thể kể đến như: Nghị định 38 quy định rằng quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động về khai và nộp thuế, đăng ký đầu tư nước ngoài do chưa có quy định cụ thể; Nghị định 38 quy định rằng Quỹ đầu tư phải kê khai các ngành nghề của các startup mà quỹ sẽ thực hiện đầu tư là trùng lặp các doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động kinh doanh thì cũng đã đăng ký ngành nghề và xin các giấy phép theo quy định của pháp luật; Luật DNVVN quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về thuế, tuy nhiên trong các văn bản hướng dẫn cụ thể về thuế thì không có quy định được ưu đãi như thế nào, áp dụng ra sao; chưa có hướng dẫn về hạch toán kế toán cho quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo pháp luật về kế toán, cũng như về kê khai và nộp thuế theo pháp luật về thuế. Chuyên gia đề xuất các đơn vị chủ quản xem xét sửa đổi Nghị định 38 đồng thời bổ sung các nội dung phối hợp liên ngành để các đơn vị quản lý khác về thuế, kế toán nắm được các nội dung về hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị định 38.
Với một số loại hình startup, đặc biệt là các startup làm về fintech, thì ngoài các khoản hỗ trợ từ nhà nước, vốn góp cổ phần từ nhà đầu tư thiên thần hay từ quỹ đầu tư, thì nguồn vốn vay cũng rất cần thiết để startup có thể đảm bảo dòng tiền kinh doanh. Các phương án cho vay hiện nay của startup tương đối hạn chế vì: (i) startup khó vay được ngân hàng thông thường do không có tài sản đảm bảo, (ii) startup thực hiện vay từ các quỹ cho vay nước ngoài hoặc các hình thức tín dụng khác ở Việt Nam thì thường phải chịu lãi suất tương đối cao. Ngoài ra, hoạt động thực hiện cho vay tại Việt Nam được quản lý khá chặt chẽ để thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước nên các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng bị hạn chế trong việc cấp khoản vay cho các startup. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhận được các nguồn vốn vay, chuyên gia đề xuất bổ sung hoạt động cấp khoản vay cho các startup vào phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, do khi thực hiện thẩm định đầu tư thì Quỹ đầu tư là nhà đầu tư nắm rõ nhất về các đặc điểm, nhu cầu, cũng như về mức độ rủi ro khi cấp khoản vay cho startup. Ngoài ra, các khoản vay này cũng cần được hỗ trợ cơ chế riêng để đảm bảo lãi suất và chi phí thấp cho startup.
Điều quan trọng kế tiếp dành cho các đơn vị chủ quản nhà nước là việc tăng khả năng áp dụng thực tiễn của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thể hỗ trợ đúng đối tượng, phương pháp hỗ trợ phù hợp và thực chất.
Bộ tiêu chí đánh giá và xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp “đổi mới sáng tạo”, doanh nghiệp “khởi nghiệp”, và doanh nghiệp “vừa và nhỏ” là các nhóm đối tượng khác nhau và cần được định nghĩa rõ ràng, cụ thể bằng các văn bản pháp lý. Chỉ khi có thể xác định được tư cách của một doanh nghiệp thì mới xác định được là doanh nghiệp đó có thể được hưởng các ưu đãi hay quy chế đặc biệt gì. Do đó việc bổ sung quy định để phân rõ từng nhóm doanh nghiệp và quy định hệ tiêu chí xác định tương ứng là cần thiết.
Ngoài ra, việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh kinh tế số hiện nay. Vai trò của các trung tâm hỗ trợ, vườn ươm, chương trình tăng tốc cũng rất quan trọng trọng việc hỗ trợ startup phát triển. Do đó, việc kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để mở rộng mô hình này là rất cần thiết. Chuyên gia đề xuất các cơ quan chủ quản ban hành chính sách để các thành tố khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng có thể được thành lập và phát triển, như cơ sở pháp lý cho việc thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo có nguồn vốn tư nhân.
Nguồn vốn công để hỗ trợ các startup mới bắt đầu thực hiện hoạt động, chưa xây dựng được sản phẩm hoàn chỉnh hoặc mới chỉ dừng ở mức ý tưởng để tiếp tục thực hiện nguyên cứu và phát triển sản phẩm. Với hỗ trợ từ nhà nước, startup sẽ có tiền đề để minh chứng được tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh với nhà đầu tư để tiếp cận với các nguồn vốn tư. Luật và chính sách cần có cơ chế thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có cơ hội để tiếp cận và được giải ngân nguồn vốn này. Đó có thể là các khoản hỗ trợ không hoàn lại nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh tế kép của doanh nghiệp và của đất nước.
Nhiều chủ đề khác đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo trong phần đối thoại chính sách giữa đại diện bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và các đại biểu.

Liên quan đến Nghị định 31/2021/NĐ-CP, khi thực hiện cấu trúc khoản đầu tư, do đặc thù mang tính mạo hiểm của hoạt động đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, và cũng để thực hiện cơ cấu đầu tư vào công ty mẹ tại Singapore nói trên, các nhà đầu tư bên cạnh đầu tư trực tiếp, thường lựa chọn các cơ cấu đầu tư khác như chuyển đổi khoản nợ thành vốn góp hoặc hoán đổi cổ phần. Trên thực tiễn thì việc chuyển đổi khoản nợ thành vốn góp đã được thực hiện khá nhiều nhưng hình thức hoán đổi cổ phần thì vẫn còn khá mới mẻ. Riêng với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức hoán đổi cổ phần, tuy đã có cơ sở pháp lý tại Điều 69.4 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhưng hiện tại chưa có hướng dẫn chi tiết về cơ chế chính sách quản lý về việc thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức này cũng như cơ chế đặc biệt khi thực hiện hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (quy định tại Điều 67 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).

Còn đối với Nghị định 38/2018/NĐ-CP, Nghị định 38 đặt ra nền móng cho việc thành lập với quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý hiện tại theo nghị định này còn nhiều điểm có thể xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, ví dụ: (i) Giới hạn số lượng nhà đầu tư cần được tăng lên, đặc biệt với quỹ do cá nhân góp (quỹ chuyên cho các nhà đầu tư thiên thần thì cần số lượng lớn vì chủ yếu là cá nhân) (ii) Giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư cần được mở rộng: mở rộng nội dung cho vay do đây là một bước thông thường trong hoạt động đầu tư KNST (khoản vay chuyển đổi), cũng như tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi chưa đầu tư của quỹ.
Các bên đối thoại cũng đề cập tới những thiếu sót của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa như chưa xác định và chưa có bộ tiêu chí định nghĩa, đánh giá doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chưa chỉ rõ cơ quan nào sẽ chủ trì trong việc thực hiện xác nhận tư cách doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo theo hay tư cách doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Còn về Luật Đầu tư 2020, chưa có cơ sở pháp lý để đăng ký thành lập và quản lý trung tâm đổi mới sáng tạo có nguồn vốn tư nhân và chưa xác định rõ cơ quan nào sẽ chủ trì việc đánh giá và đề xuất ưu đãi cho các trung tâm.
Nghị định số 94/2020/NĐ-CP cũng được đưa ra thảo luận trong phần đối thoại, cụ thể là một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, tổ chức và cá nhân hoạt động tại Trung tâm và các đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Trung tâm. Tuy nhiên, nghị định này chỉ được áp dụng với mỗi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, các địa phương và doanh nghiệp mong muốn phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo để hưởng các ưu đãi của Nghị định 94/2020/NĐ-CP nhưng chưa có hướng dẫn.
Theo các đại diện cơ quan trung ương, các hoạt động đổi mới sáng tạo cần có tiêu chí đo lường cũng như cơ chế đánh giá các tác động tích cực tới xã hội để làm cơ sở đánh giá tính hiệu quả của các chính sách khuyến khích và ưu đãi trong dài hạn. Ví dụ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đang nghiên cứu và xây dựng khung chỉ số đo lường doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như đổi mới sáng tạo khu vực công tại các cơ quan trung ương, địa phương để làm cơ sở đánh giá tác động cho cả hệ sinh thái.
Ngay tại phiên đối thoại, đại diện các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất về việc tổ chức trong tuần tới một buổi thảo luận chi tiết giữa các đơn vị với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư để tháo gỡ những “điểm nghẽn cổ chai” đã được nêu ra tại hội thảo. Buổi thảo luận chuyên sâu này sẽ mời thêm đại diện các đơn vị liên quan từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ từ các cơ quan trung ương nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, thể hiện sự cam kết đồng hành, quyết tâm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam./.