Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên19 phút đọc

07/08/2023
Share

Sáng 04/8/2023, tại Hội trường lớn Đại học Huế, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại học Huế tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên.

Tham dự Diễn đàn có sự hiện diện của Ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, Ông Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ông Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế, Ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và khoảng gần 500 đại biểu là Lãnh đạo các Sở KHĐT, Sở KHCN, Sở GDĐT của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; Lãnh đạo của nhiều trường đại học, cao đẳng tại miền Trung và Tây Nguyên, cùng nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên của các trường đại học thành viên của Đại học Huế; các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.

Toan canh 1
Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh NIC)

Với mục tiêu tìm kiếm động lực, hoạch định chính sách, xây dựng môi trường thúc đẩy sự phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Diễn đàn đã tập trung vào các vấn đề sau:

(i) Nhận diện hiện trạng Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các địa phương, trường đại học cũng như khu vực miền Trung và Tây Nguyên; định hướng giải pháp phát triển, thúc đẩy ĐMST&KN của Quốc gia.

(ii) Đánh giá vai trò của trường đại học trong hoạt động giáo dục và đào tạo chất lượng nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhận diện những điểm nghẽn/rào cản trong hoạt động của của các đơn vị.

(iii) Đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối nguồn lực ĐMST&KN khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vai trò của các bên liên quan

(iv) Tiêu chí đo lường và đánh giá hiệu quả các hoạt động ĐMST&KN trong các trường đại học, cao đẳng và các địa phương

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, khu vực miền trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông-lâm nghiệp bền vững. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố miền trung và Tây Nguyên. Theo đó, xác định mục tiêu phát triển miền Trung và Tây nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

TT Tran Duy Dong
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chỉ đạo (Ảnh NIC)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố miền trung và Tây Nguyên. Để thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Thứ trưởng Trần Duy Đông lưu ý các tỉnh miền trung vàTây nguyên cần xác định, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chia sẻ, với sự chủ động và xác định con đường đi phù hợp cho mình, năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong ba địa phương trên toàn quốc được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu “Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp” và danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh và trao tặng năm 2022.

Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Phương, Đại học Huế nói chung và Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Huế nói riêng đã đóng góp một phần thành công trong việc đào tạo, ươm mầm, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, ông Phương kỳ vọng: thông qua diễn đàn sẽ được lắng nghe các chuyên gia, các nhà đầu tư chia sẻ thêm những thông tin, phân tích xu hướng mới và tham vấn các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động khoa học-công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương cũng như trong khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Đại học Huế Lê Anh Phương đã chia sẻ về các hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Đại học Huế trong những năm vừa qua.  Theo đó, tháng 1/2018, Đại học Huế thực hiện hoạt động kick off đầu tiên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và tháng 7/2018 thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (CEI), đồng thời thành lập Hội đồng cố vấn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Đại học Huế. Kể từ khi được thành lập CEI đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên và các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, CEI cũng tổ chức nhiều cuộc thi khuyến khích và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ươm tạo nhiều dự án khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ. Cùng với đó, Đại học Huế cũng ban hành Nghị quyết về phát triển hệ sịnh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn 2030. Có thể nói, Đại học Huế đã rất tích cực trong các hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ trong nội bộ các trường thành viên mà còn lan toả sang nhiều trường đại học và cao đẳng trong khu vực. Minh chứng là Đại học Huế đã tiên phong trong các hoạt động và thúc đẩy triển khai sáng kiến xây dựng Mạng lưới Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng miền Trung và Tây Nguyên. Tại Diễn đàn, Mạng lưới đã kết nạp thêm một số thành viên mới và chính thức thống nhất Tuyên bố chung của Mạng lưới.

Để Mạng lưới hoạt động hiệu quả thì rất cần các chính sách hỗ trợ của ngành Giáo dục, Ông Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày về“Các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ĐMST&KN của ngành Giáo dục”.

Theo Ông Đạt, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng sớm đạt được các mục tiêu tăng trưởng trở thành một quốc gia khởi nghiệp có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Để trở thành một quốc gia khởi nghiệp việc cần làm đầu tiên là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện hơn, ở đó các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ươm tạo, hỗ trợ và nhanh chóng có được những mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong tất các các báo cáo nghiên cứu về việc xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đều chỉ rất rõ vai trò quan trọng của ngành Giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng. Vì vậy, Ông đã nhấn mạnh: “Trường đại học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, hình thành văn hóa khởi nghiệp trong HSSV và là nơi nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển tài năng, năng khiếu của HSSV”. 

Để khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp Việt Nam từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của khu vực và thế giới thì rất cần thiết có những trao đổi và chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành; các cơ quan trung ương, địa phương và các bên liên quan khác về các cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy hoạt động này. Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có bài trình bày về: “Các cơ chế chính sách thúc đẩy ĐMST&KN Quốc gia”.

Theo Ông Đỗ Tiến Thịnh, Việt Nam đã ban hành khá nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, ví dụ như Nghị quyết 52-NQ/TW nói rất rõ về vai trò của Đổi mới sáng tạo; Nghị định số 94/2020/NĐ-CP dành riêng cho các chính sách ưu đãi Trung tâm ĐMSTQG; Quyết định số 188/QĐ-TTg và 844/QĐ-TTg tập trung vào phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; Luật đầu tư cũng đề cập đến ưu đãi đầu tư các dự án đổi mới sáng tạo, và quy định thủ tục về đầu tư đổi mới sáng tạo; Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có những chính sách thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và một loạt các Luật liên quan khác như: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ…

PGD Do Tien Thinh
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, phát biểu (Ảnh NIC)

Bên cạnh các mặt tích cực của các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Ông Thịnh cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế như: Các nút thắt về điều kiện kinh doanh vẫn chậm được cải tiến, thiếu sự đồng bộ với quy hoạch; Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy ĐMST trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi (lĩnh vực kinh doanh, công nghệ) như cho vay ngang hàng, sàn giao dịch tín chỉ các-bon…; Thiếu hoặc cơ chế, chính sách chưa phù hợp để phát triển Hệ sinh thái ĐMST, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích huy động nguồn lực cho ĐMST như: quỹ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng…; Phần lớn các Chương trình, Đề án, dự án của TW vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của các dự án hỗ trợ kỹ thuật, thiếu các chương trình, dự án lớn dài hạn, có trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước.

Để khắc phục được những tồn tại trên, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đưa ra một số khuyến nghị giải pháp, bao gồm: Tháo nhanh các nút thắt về điều kiện kinh doanh; Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy ĐMST trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi; Bổ sung các giải pháp khuyến khích huy động nguồn lực cho ĐMST như: quỹ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng…; Đẩy mạnh huy động nguồn vốn của các dự án hỗ trợ ODA, xây dựng chương trình, dự án lớn dài hạn, có trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ, hỗ trợ cho các trung tâm ĐMST và khởi nghiệp; doanh nghiệp, startups, nhân tài; Chọn những điểm nghẽn dễ làm, dễ sửa nhưng có tác động lớn trước; Không bỏ quên các cơ chế,  chính sách đổi mới sáng tạo khu vực công.

Đặc biệt, Diễn đàn đã mang đến hai phiên thảo luận hết sức quan trọng và có ý nghĩa, với nhiều đóng góp xây dựng về việc làm thế nào để kết nối nguồn lực các bên liên quan trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại miền Trung và Tây Nguyên nói chung và mạng lưới các trường đại học, cao đẳng tại khu vực này nói riêng.

  • Phiên thảo luận 1: Tăng cường kết nối nguồn lực ĐMST&KN khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.
  • Phiên thảo luận 2: “Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ ĐMST&KN của các trường đại học, cao đẳng miền Trung và Tây Nguyên”.

Ngoài ra, đại biểu tham dự Diễn đàn cũng được lắng nghe chia sẻ từ đại diện đến từ hai Đại học lớn, có nhiều tiếng vang về các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là:

  • Ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc Ươm tạo BK–Holdings, Đại học Bách khoa Hà Nội, với chủ đề: Phát triển trường đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo
  • Ông Lê Nhật Quang – Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG–Tp. HCM; với chủ đề “ĐMST và KN sinh viên: Vai trò của trường đại học và các bên liên quan”.

Có thể thấy rằng muốn đi xa thì các trường Đại học luôn rất cần sự hỗ trợ và đồng hành mật thiết của các bên liên quan khác nhau. Tại Diễn đàn này, với vai trò là đơn vị đồng hành, kết nối và lan toả, NIC đã giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường để ký kết thoả thuận hợp tác với các trường thành viên của Mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo các trường đại học và cao đẳng khu vực miền Trung và Tây nguyên (UEINI).

Theo đó, Navigos Search, một trong hai thương hiệu nổi tiếng của Tập đoàn Navigos (Tập đoàn với hơn 20 năm hoạt động, sở hữu hai thương hiệu: VietnamWorks – cổng thông tin tuyển dụng trực tuyến và Navigos Search – dịch vụ tuyển dụng nhân tài cấp trung và cấp cao hàng đầu VN) đã ký thoả thuận với Mạng lưới UEINI cam kết hỗ trợ các trường thành viên trong việc kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, hỗ trợ nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động biến đổi không ngừng và ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Đồng thời, Công ty TNHH Phát triển Giáo dục & Công nghệ I&E Việt Nam, với gần 10 năm đồng hành cùng Tổ chức công – Tổ chức giáo dục – Doanh nghiệp trong hành trình Chuyển đổi số cũng ký thoả thuận hợp tác với Mạng lưới UEINI, cam kết tài trợ các trường thành viên trong việc thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, bao gồm triển khai một hoặc nhiều sản phẩm thuộc các Phân hệ sản phẩm Công nghệ như: Hệ thống Phần mềm Quản lý hoạt động Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp; Hệ thống Phần mềm Khảo thí; Hệ thống Phần mềm Quản lý Công tác sinh viên và Kết nối Cựu sinh viên; Hệ thống Phần mềm Quản trị Vận hành; Hệ thống Phần mềm Quản lý Tài nguyên; Hệ thống Phần mềm Quản lý Đào tạo.

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thành công của Diễn đàn là động lực quan trọng để tiếp tục phát triển hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các địa phương, các trường đại học cũng như đóng góp vào việc phát triển Hệ sinh thái quốc gia./.

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI

TIN TỨC LIÊN QUAN
Chiều 22/9 (theo giờ New York), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đại Sứ Việt...
23/09/2023
Ngày 19/9/2023 (giờ Washington D.C) – Cadence Design Systems (Nasdaq: CDNS) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã công bố một...
20/09/2023
   Ngày 19/8 (theo giờ San Francisco), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác đã gặp gỡ...
19/09/2023
Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Synopsys hỗ trợ phát triển trung tâm ươm tạo thiết kế...
19/09/2023

LIÊN HỆ

Điền vào biểu mẫu bên dưới và chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn

Thông tin liên lạc

Điện thoại: 08044838

Email: info@nic.gov.vn

Giờ mở cửa

T2 – T6: 8h00 – 17h00
T7 – CN: Đóng cửa

Địa chỉ

6B Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội

6 Ngõ 7 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, Hà Nội