Đồng Tháp, ngày 29 tháng 9 năm 2022– Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo: “Đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ”.

Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp luôn khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân, góp phần quan trọng ổn định chính trị – xã hội và phát triển đất nước. Kinh tế trong nước đang bước sang giai đoạn phục hồi, dự báo tăng trưởng khá lạc quan vào năm 2022. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, ngành nông nghiệp cũng chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ” có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra những cơ hội kết nối và trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nói chung và cho vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng, từ đó định hướng thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, đáp ứng những yêu cầu chung của nền kinh tế – xã hội và thị trường trong khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện ra mắt, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, ông Đỗ Tiến Thịnh cho biết: “Những hạn chế, thách thức còn tồn đọng đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp tại Việt Nam đã mở ra những nhu cầu cấp thiết, yêu cầu đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phải chủ động hòa nhịp và tích hợp các giá trị của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh. Từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển cho thấy, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp giúp thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp số để tăng thu nhập cho nhà nông và tiếp cận các tiêu chuẩn của thế giới…”

Tại Hội thảo, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra những phân tích một cách tổng thể, khách quan về thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp tại Đồng Tháp nhằm xác định những vấn đề, những nguyện vọng và nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp nông nghiệp, hộ nông dân và hợp tác xã của vùng trong công tác sản xuất. Theo đó, Bà Nguyễn Thị Thu – CEO Công ty CP Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI, đã có chia sẻ tại sự kiện về phương hướng phát triển phù hợp với tình hình chung các doanh nghiệp nông nghiệp tại địa phương trên con đường đổi mới sáng tạo nền nông nghiệp bền vững, đưa ra những phương án giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao năng lực, năng suất và tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Cụ thể, để giảm chi phí đầu vào trong canh tác, đảm bảo sản phẩm an toàn cho sức khỏe, giảm phát thải ra môi trường, bà Nguyễn Thị Thu đưa ra hướng dẫn và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tự động hoá, hệ thống blockchain và Metaverse vào khâu sản xuất, lưu trữ, kiểm định sản phẩm. Ngoài ra, nên áp dụng các phương án, mô hình chế biến, bảo quản nông sản hiện đại, ứng dụng dây chuyền tự động hoá, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm trên thị trường.

Tiến sĩ Lê Thị Kim Loan – Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Tiền Giang đã có phần trình bày về những nét mới trong công cuộc ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp bền vững tại Tiền Giang, đưa ra những góc nhìn và bài học thiết thực cho Đồng Tháp trong tiến trình đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Theo chia sẻ của Tiến sĩ, nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, nên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh vẫn vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh. Đóng góp vào chủ đề của hội thảo, Ông Nguyễn Đức Tùng – Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã đưa ra những phương án giúp người nông dân ứng dụng công nghệ số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp bền vững (mô hình chuỗi cung ứng khép kín nông nghiệp), khuyến khích thúc đẩy nền tảng B2B kết nối các doanh nghiệp trong nước và thị trường quốc tế về nông sản.

Trong phiên làm việc hội thảo, Lễ công bố Hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện đánh dấu một bước chuyển mới cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung, hướng tới chủ động kiến tạo phát triển bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.
